Giống bò Giống_vật_nuôi_Việt_Nam

Bò Việt Nam hay còn gọi là bò ta, bò nội, bò địa phương nguồn gốc từ bò Bos indicus, nhánh bò châu Á, có u như bò U Ấn Độ (bò Zebu), hầu hết màu vàng, vàng nhạt hoặc vàng đậm, nên có tên chung là bò vàng Việt Nam hay bò Vàng. Nhìn chung giống bò Việt Nam nuôi để lấy sức kéo, một phần lấy thịt, hầu như không nuôi để lấy sữa. Chăn nuôi bò thịt hiện nay ở Việt Nam còn manh mún, nhỏ lẻ và được nuôi chủ yếu tại các hộ nông dân không chuyên nghiệp. Bò chủ yếu là chăn nuôi kiêm dụng, quy mô sản xuất nhỏ, giống năng suất thấp. Khi bán bò lại qua nhiều khâu trung gian, dẫn đến chi phí giao dịch trong toàn chuỗi cao. Trên thị trường thiếu các giống bò thịt cao sản, thiếu đàn bò cái chuẩn, nên giá bò giống quá cao. Mạng lưới thụ tinh nhân tạo bò không phát triển. Trong khi đó diện tích đồng cỏ cho chăn thả rất ít vì đa số đất đã sử dụng cho việc trồng các cây lương thực và cây công nghiệp[21].

Dưới đây liệt kê (chưa đầy đủ) một số giống bò nội địa được nuôi ở Việt Nam hiện nay:

Bò Vàng

Bò Vàng
Bò vàng ở Việt Nam

Bò vàng Việt Nam là giống bò địa phương thuộc nhóm giống bò vàng phương Nam, do vóc dáng nhỏ bé nên người ta hay gọi nó là loài bò cóc, bò cỏ. Bò phân bố tương đối tập trung (57 – 60 % tổng đàn) từ Thanh Hoá dọc theo Quốc lộ 1A đến miền Đông Nam Bộ. Giống bò này nuôi chủ yếu làm sức kéo từ lâu đời chưa được cải tạo, nên không có thiên hướng sản xuất rõ rệt, không có tên riêng mà gọi theo địa danh: Bò Thanh Hoá, bò Nghệ An, bò Bình Định, bò Phú Yên. Bò Vàng Việt Nam có các dòng là Bò Thanh Hóa và bò Nghệ An.

Bò H’Mông

Một con bò Mèo

Được nuôi nhiều nhất ở vùng rẻo cao vùng Hà Giang, Cao Bằng tại các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, chúng được người Mông và các dân tộc anh em bản địa nuôi khá phổ biến. Hiện nay giống bò này đang nằm trong danh sách bảo tồn nguồn gen quý. Là giống bò chủ yếu do người H'mông chăn nuôi, bò đực trưởng thành trên 5 năm tuổi có trọng lượng 500–800 kg. Đây là giống bò có nguồn gen quý với tỷ lệ mỡ giắt cao, độ dai là 6,5 kg sau 24 giờ giết mổ.

Bò U đầu rìu

Là giống bò có nguồn gốc ở Nghệ An, Hà Tĩnh, tập trung chủ yếu tại huyện Nam Đàn (tỉnh Nghệ An), huyện Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) và một số địa phương lân cận. Bò có màu lông từ vàng đến nâu nhạt, cao khoảng 110–115 cm. Đặc điểm nổi bật là ở con đực có u vai màu hơi đen giống hình cái rìu nên gọi là “u đầu rìu”. Mặt thanh, sừng ngắn to ở bò đực, nhỏ ở bò cái; tai nhỏ, thẳng, yếm thẳng và gọn; lông thưa, ngắn và mịn; đuôi dài, chỏm đuôi có màu đen.

Bò Phú Yên

Là một giống bò vàng nội địa có xuất xứ từ Phú Yên. Đây là giống bò được Nhà nước công nhận là giống vật nuôi được phép kinh doanh, sản xuất. Bò Phú Yên nặng 250 –350 kg, thuộc bò U, có tầm vóc lớn. Sừng chĩa về phía trước, cổ ngắn, yếm rộng, màu lông vàng sẫm, đỏ sẫm hay đỏ nhạt. Bò Phú Yên nổi tiếng là giống tốt, theo đúng tiêu chuẩn: mình lăn, đùi treo, ngực nở, mình hổ cổ rô, tai nhỏ, mí mắt mỏng, da mỏng lông mượt, ống chân thắt tròn, gót chân mỏng, móng tròn.

Bò Bảy Núi

Bò Bảy Núi hay bò đua Bảy Núi được nuôi ở vùng Bảy Núi thuộc Tri Tôn, An Giang, phổ biến trong lễ hội đua bò Bảy Núi. Bò chính gốc Bảy Núi, còn gọi là bò "Cu", chúng nhỏ con nhưng thân mình liền lạc, nhanh, mạnh và bền, dáng thấp, nhỏ với sắc lông vàng chiếm ưu thế, có sự phân bổ cơ, xương rất đặc thù, cho phép bò có được sức rướn, sức bật nhanh mà đảm bảo được sức bền vượt trội. Hiện nay, bò đua đứng trước nguy cơ tuyệt chủng vì tập quán thiến (hoạn) bò đực từ nhỏ và nhất là phong trào Sind hoá đàn bò.

Bò lai

Bò lai hay tổ hợp lai của các giống bò giống bò nội mặc dù dễ nuôi, ít bệnh nhưng năng suất nuôi không cao. Trong khi các giống bò trên thế giới có năng suất nuôi thịt cao, nhưng lại đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc và chất lượng thức ăn tốt. Các nhà chăn nuôi ở Việt Nam đã nhập tinh bò ngoại hoặc đực giống về cho gieo phối với bò cái để cải tạo năng suất chăn nuôi. Các tổ hợp bò lai gồm: Bò lai Sind là con lai cấp tiến giữa bò đực giống Sindi đỏ và bò cái Vàng Việt Nam, phân bố rải rác ở nhiều nơi, đặc biệt là vùng Đồng bằng Sông Hồng, Đồng bằng Sông Cửu Long. Ngoài ra có bò lai Charolaise, Bò lai Droughtmaster, Bò lai Brahman, Bò lai BBB F1.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Giống_vật_nuôi_Việt_Nam http://www.bbc.com/vietnamese/forum/2014/04/140403... http://www.nongnghiepvn.com/agro/news/print/Nuoi-c... http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/doanh-nghie... http://dad.fao.org/Domestic http://baochinhphu.vn/Khoa-hoc-Cong-nghe/Can-dau-t... http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Chinh-tri/543591/go... http://www.kinhtenongthon.com.vn/Cac-giong-vat-nuo... http://laodong.com.vn/su-kien-binh-luan/thuc-trang... http://www.nhandan.com.vn/mobile/_mobile_kinhte/_m... http://nld.com.vn/khoa-hoc/viet-nam-bao-ton-gen-21...